TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM 09/2013/KDTM-GĐT NGÀY 25/04/2013 VỀ VỤ ÁN KINH DOANH THƯƠNG MẠI TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM GIỮA NGUYÊN ĐƠN CÔNG TY THÁI BÌNH MINH VÀ BỊ ĐƠN TỔNG CÔNG TY CP BẢO MINH
Ngày 25/4/2013, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty Thái Bình Minh (TNHH), có trụ sở tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh; do ông Nguyễn Văn Đều - Giám đốc Công ty làm đại diện.
Bị đơn: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, có trụ sở tại 26 Tôn Thất Đạm, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Phạm Quốc Khánh - Phó Giám đốc Ban quản lý nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải và ông Nguyễn Quý Hoài - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh làm đại diện theo Giấy ủy quyền số 1284/2009-BM/TH ngày 02/6/2009 của Tổng giám đốc Công ty.
NHẬN THẤY
Theo đơn khởi kiện đề ngày 02/10/2008, lời trình bày của nguyên đơn và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thì thấy:
Ngày 25/10/2007, Công ty Thái Bình Minh TNHH (sau đây gọi tắt là Công tỵ Thái Bình Minh - bên A) đã ký Hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển sô AD0210/07B2IN24105 với Công ty Bảo Minh Bắc Ninh (thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh - sau đây gọi tắt là Công ty Bảo Minh - bên B) với nội dung (tóm tắt): Bên B nhận bảo hiểm cho phương tiện tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) của bên A.
- Phạm vi bảo hiểm thân tàu: Theo điều kiện B (Tổn thất toàn bộ) bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển ban hành theo Quyết định số 0631/2005-BM/BHHH ngày 22/3/2005 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Tàu được bảo hiểm trong phạm vi hoạt động VRS1, mở rộng các Cảng phía Nam Trung Quốc (trong đó có cảng Phòng Thành) cách bờ không quá 20 hải lý. Giá trị thực tế của tàu là 3.000.000.000 đồng; giá trị tham gia bảo hiêm là 3.000.000.000 đồng; phí bảo hiểm đã bao gồm phí trục vớt là 16.500.000 đồng.
- Phạm vi bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Giới hạn trách nhiệm 100.000.000 đồng/vụ; trong đó, với người 10.000.000 đồng/người/vụ; phí bảo hiểm 5.632.000 đồng.
- Phạm vi bảo hiểm đối với thuyền viên: Mức trách nhiệm bảo hiểm là 20.000.000 đồng/người/ vụ; số người được bảo hiểm là 6 người; phí bảo hiểm 336.000 đồng.
- Những loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất xảy ra bởi mọi nguyên nhân được bảo hiểm quy định tại điều 5 Quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển số BAOMINH-CL.001-TSO và điều 4 Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự tàu sông, tàu ven biển số BAOMINH-CL.002-TSO.
Tổng phí bảo hiểm đã bao gồm VAT là 22.468.000 đồng.
Cùng ngày 25/10/2007, Công ty Bảo Minh đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển cho người được bảo hiểm là Công ty Thái Bình Minh TNHH. Thời hạn bảo hiểm là một năm kể từ ngày 27/10/2007 đến ngày 26/10/2008.
Đầu tháng 01/2008, tàu BN-0425 của Công ty Thái Bình Minh nhận hợp đồng chuyên chở 770 tấn quặng sắt của Công ty Hoàng Tiến từ bến Vát (Hiệp Hòa, Bắc Giang) đến cảng Phòng Thành (Quảng Ninh, Trung Quốc).
Ngày 14/01/2008, tàu BN-0425 neo đậu tại cảng Vạn Gia, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để làm các thủ tục kiểm tra hàng hóa và thủ tục xuất cảnh theo quy định. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định, Cảng vụ cảng Vạn Gia, Móng Cái đã cấp Giấy phép rời cảng cho tàu BN-0425 của Công ty Thái Bình Minh đi Phòng Thành, Trung Quốc.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 15/01/2008, tàu BN-0425 xuất bến. Sau khi rời cảng Vạn Gia, tàu chạy theo tuyến luồng lạch ven biển đến Phòng Thành. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày thì tàu BN-0425 gặp nạn và bị đắm. Nguyên nhân là do gió xoáy tăng cường, khi tàu bị đắm, 6 thủy thủ được tàu đánh cá Trung Quốc cứu sống, 1 thủy thủ là ông Bùi Nhuận bị mất tích không tìm thấy xác. Chiều ngày 15/01/2008, nhận được thông tin về tàu bị nạn, ngay ngày 16/01/2008, Công ty Thái Bình Minh đã báo ngay cho đại diện Công ty Bảo Minh Bắc Ninh ở huyện Lương Tài được biết về sự cố tàu BN-0425. Ngày 23/01/2008 Công ty Thái Bình Minh đã gửi công văn đến Công ty Bảo Minh thông báo về những thiệt hại về người và tài sản. Tiếp sau sự cố, giữa Công ty Thái Bình Minh và Công ty Bảo Minh Bắc Ninh đã nhiều lần gặp gỡ bàn bạc hướng giải quyết nhưng Công ty Bảo Minh cho rằng việc bồi thường là thuộc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Vì vậy, Công ty Thái Bình Minh đã làm đơn gửi Tổng Công ty Bảo Minh tại thành phổ Hồ Chí Minh yêu cầu bồi thường theo hợp đông bảo hiểm nhưng đã bị Tổng Công ty từ chối. Do đó, Công ty Thái Bình Minh khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty Bảo Minh phải thực hiện trách nhiệm bảo hiểm bôi thường cho Công ty Thái Bình Minh các khoản sau:
- Bảo hiểm thân tàu: 3.000.000.000 đồng;
- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: 100.000.000 đồng;
- Bảo hiểm thuyền viên: 20.000.000 đồng;
- Các chi phí khác: 130.000.000 đồng;
Tổng cộng là 3.250.000.000 đồng.
Bị đơn - Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh trình bày:
Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh là công ty cổ phần trực thuộc Bộ tài chính, được thành lập và hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Công ty Bảo Minh Bắc Ninh là đơn vị trực thuộc, là chi nhánh hoạt động với tư cách pháp nhân không đầy đủ. Trong việc phân cấp của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh thì Công ty Bảo Minh Bắc Ninh chỉ có thẩm quyền ký kết các hợp đồng bảo hiểm, còn việc giải quyết các trách nhiệm dân sự như bồi thường, bồi hoàn thì thẩm quyền thuộc về Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh.
Ngày 25/10/2007, Bảo Minh Bắc Ninh có ký một hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển với Công ty Thái Bình Minh. Trước khi ký hợp đồng, Bảo Minh Bắc Ninh đã thực hiện việc thẩm định tài sản bảo hiểm. Sau khi nhận được tin của Công ty Thái Bình Minh về sự cố tàu BN-0425 bị đắm, Bảo Minh Bắc Ninh đã tiến hành tiếp nhận, thu thập thông tin và làm các thủ tục theo quy định để trình lên Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh đã mời Công ty cổ phần giám định và thẩm định Việt Nam tiến hành giám định nguyên nhân sự cố của tàu đắm và các tổn thất. Qua kết luận của Công ty thẩm định và giám định Việt Nam thì bằng cấp của thuyền trưởng Nguyễn Minh Hải ghi năm sinh của thuyền trưởng là 1975, nhưng trong chứng minh thư nhân dân thì lại ghi sinh năm 1980; các thủy thủ không có giấy chứng chỉ đào tạo nghề đi biển, các thủy thủ đã được nghe thông báo thời tiết lúc 06 giờ ngày 15/01/2008 của Đài Nha Trang trước khi cho tàu khởi hành tại Vạn Gia, theo đó, bản tin dự báo gió Bắc cấp 5, cấp 6 (phù hợp với dự báo của Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam - Cục hàng hải Việt Nam là khu vực vịnh Bắc Bộ, gió Đông Bắc cấp 6, giật trên cấp 6, biển động). Căn cứ vào Quyết định số 245/2006/QĐ-TTg ngày 27/10/2006 của Thủ tương Chính phủ, phần phụ lục III, bảng cấp gió và cấp sóng, chiều cao sóng ứng với gió cấp 6 là 3 mét, vượt quá khả năng hoạt động cho phép của tàu Thái Bình Minh 08 (BN- 0425) theo đăng kiểm Việt Nam là tàu sông SI chiều cao sóng không quá 2 mét), nhưng vẫn cố tình ra khơi và các thủy thủ khi về đã không thông báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền. Ngoài ra, chủ tàu BN-0425 đã vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp thông tin như: thuyền viên trên tàu không đúng với danh sách đã làm thủ tục xuất cảnh tại cảng Vạn Gia, thủy thủ trên tàu không có hợp đồng lao động, sau khi về Việt Nam đều không trình báo với cơ quan chức năng. Việc làm của các thủy thủ tàu BN0425 là vi phạm Điều 5 của hợp đồng và vi phạm vào điều khoản loại trừ bảo hiểm “Người được bảo hiểm hoặc người thừa hành như: đại lý, đại diện hoặc thuyền trưởng, sĩ quan hoặc thuyền viên có hành động cố ý”. Chính vì lẽ đó, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh không chấp nhận đòi bồi thường bảo hiểm của Công ty Thái Bình Minh.
Tại Chứng thư giám định tổn thất đắm tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) ngày 14/7/2008, Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam đã đưa ra kết luận về vụ tai nạn đắm tàu Thái Bình Minh như sau:
1. Thuyền viên trên tàu Thái Bình Minh 08 không đúng với danh sách thuyền viên đã làm thủ tục xuất cảnh tại cảng Vạn Gia.
2. Bằng cấp của thuyền trưởng Nguyễn Minh Hải: Năm sinh, ghi trên bằng là năm 1975 (không đúng với năm sinh ghi trên Giấy chứng minh nhân dân là năm 1980).
3. Tất cả thủy thủ trên tàu đều không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
4. Trước khi khởi hành từ cảng Vạn Gia Quảng Ninh để đi Trung Quốc, thuyền trưởng đã nghe bản tin dự báo thời tiết và biết rõ tình trạng thời tiết biển nhưng Thuyền trưởng không nắm được quy định của đăng kiểm về vùng hoạt động đối với loại tàu sông SI, cũng như điều kiện thời tiết mà tàu sông SI được phép hoạt động nên thuyền trưởng đã cho tàu hành trình trong điều kiện sóng to gió lớn (gió đông bắc cấp 6, giật trên cấp 6, biển động), tàu bị đắm là do sóng to gió lớn gây nên.
5. Tất cả thuyền viên từ Trung Quốc trở về Việt Nam không khai báo với cơ quan chức năng của Việt Nam.
Người giám định - Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng trình bày:
Thuyền trưởng Nguyễn Minh Hải bằng cấp sai về năm sinh, các thuyền viên có người không đúng tên với danh sách đãng ký của biên phòng. Trước khi ra khơi, thuyền trưởng đã được nghe dự báo thời tiết, biết gió cấp 5, cấp 6 với loại tàu SI là rất nguy hiểm nhưng vẫn cho tàu ra khơi. Công ty giám định đã tiến hành thu thập các bản tin về dự báo thời tiết về những ngày tàu xuất bến và được Trung tâm dự báo thời tiết của đài Duyên Hải cung cấp. Dự báo thời tiết chỉ cung cấp về tần suất cấp gió để báo cho các phương tiện ra khơi, còn với cấp gió như vậy, tàu có được ra khơi hay không là do chủ tàu xem xét. Đối với cấp gió như trên tàu SI chỉ được hoạt động ở sông và vùng vịnh. Việc đắm tàu là do thuyền trưởng đã nghe được dự báo thời tiết biết được thời tiết gió cấp 6 mà vẫn cho tàu ra khơi là lỗi cố ý.
Đại diện Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh tại Móng Cái trình bày: Ngày 14/01/2008, tàu BN-0425 có làm thủ tục rời cảng Vạn Gia, Quảng Ninh. Sau khi làm đầy đủ thủ tục thì Cảng vụ cấp giấy phép rời cảng. Tàu rời cảng phải có đầy đủ thủ tục điều kiện (về bằng cấp, giấy tờ, thời tiết...). Những ngày đó sóng gió bình thường, không có bão, không có áp thấp. Những trường hợp tàu thuyền không được ra khơi là phải có lệnh của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong ngày 14 và 15/01/2008 không có lệnh của cơ quan Nhà nước cấm tàu thuyền ra khơi tàu thuyền trong khu vực vẫn hoạt động bình thường. Trên thực tế thường hay có những trường hợp bất khả kháng, ngay cả việc dự báo thời tiết cũng có lúc không chính xác. Việc đảm bảo an toàn cho việc hành trình của tàu là trách nhiệm của thuyền trưởng.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2008/KDTM-ST ngày 24/12/2008, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh căn cứ các Điều 567, 568, 569, 570, 571, 572, 576, 579, 305 Bộ luật dân sự; Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án, lệ phí của Tòa án, quyết định:
“1. Buộc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Thái Bình Minh (TNHH) do ông Nguyễn Văn Đều đại diện số tiền là 3.000.000.000 đồng.
2. Bác yêu cầu của Nguyễn Văn Đều về bồi thường trách nhiệm dân sự, bồi thường thuyền viên và bồi thường các chi phí khác".
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn có quyết định về án phí, trách nhiệm chịu lãi suất nếu chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 26/12/2008, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh có đơn kháng cáo.
Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 83/2009/KDTM-PT ngày 04/6/2009, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội quyết định:
Áp dụng Điều 276 Bộ luật tố tụng dân sự, sửa Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2008/KDTM-ST ngày 24/12/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
- Áp dụng Điều 570; khoản 1 Điều 573; khoản 1 Điều 575; khoản 3 Điều 576 Bộ luật dân sự; Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ về án phí, lệ phí Tòa án. Xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Bình Minh (TNHH) do ông Nguyễn Văn Đều làm giám đốc đại diện về việc: yêu cầu Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải thực hiện bồi thường 3.000.000.000 đồng cho Công ty Thái Bình Minh (TNHH) như phần quyết định của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 13 ngày 24/12/2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã quyết định
Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn có quyết định về án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, Công ty Thái Bình Minh (TNHH) có nhiều đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại Quyết định kháng nghị số 12/2012/KDTM-KN ngày 25/5/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 83/2009/KDTM-PT ngày 04/6/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Văn bản số 67/KL-VKSTC-V12 ngày 05/10/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 83/2009/KDTM-PT ngày 04/6/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
XÉT THẤY
Ngày 25/10/2007, Công ty Thái Bình Minh (TNHH) - Bên A và Công ty Bảo Minh Bắc Ninh - Bên B ký Hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển số AD0210/07B2IN 24105. Theo hợp đồng, Bên B nhận bảo hiểm cho phương tiện tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) của Bên A theo điều kiện B (tổn thất toàn bộ) ban hành kèm theo Quyết định số 0631/2005-BM/BHHH ngày 25/3/2005 của Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Tàu được bảo hiểm trong phạm vi hoạt động VRS1, mở rộng các cảng phía Nam Trung Quốc (trong đó có cảng Phòng Thành). Hợp đồng còn quy định rõ những loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại điều 5 Quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển và điều 4 Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh. Đó là: Bảo Minh không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất xảy ra trong trường hợp Người được bảo hiểm hoặc người thừa hành như: đại lý, đại diện hoặc thuyền trưởng, sĩ quan hoặc thuyền viên có hành động cố ý. Công ty Bảo Minh đã cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cho Công ty Thái Bình Minh.
Vào hồi 14 giờ ngày 15/01/2008, trên đường từ cảng Vạn Gia, Móng Cái, Quảng Ninh đến cảng Phòng Thành, Trung Quốc, khi tới gần cảng Phòng Thành, tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) gặp gió xoáy tăng cường đã bị đăm, gây tổn thất 770 tấn quặng sắt đã bị chìm theo tàu, 01 thủy thủ bị mất tích.
Theo Chứng thư giám định số 8030049/HPG ngày 14/7/2008 của Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng kết luận về tổn thất đắm tàu Thái Bình Minh 08 là:
“1. Thuyền viên trên tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) không đúng với danh sách thuyền viên đã làm thủ tục xuất cảnh tại cảng Vạn Gia.
2. Bằng cấp của Thuyền trưởng Nguyễn Minh Hải: Năm sinh ghi trên bằng là năm 1975 (không đúng với năm sinh thực tể ghi trên Giấy chứng mình nhân dân là năm 1980).
3. Tất cả thủy thủ trên tàu đều không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.
4. Trước khi khởi hành từ cảng Vạn Gia - Quảng Ninh để đi Trung Quốc, Thuyền trưởng đã nghe Bản tin dự báo thời tiết và biết rõ trình trạng thời tiết biển nhưng Thuyền trưởng không nắm được quy định của Đăng kiểm về vùng hoạt động đổi với loại tàu sông SI, cũng như điều kiện thời tiết mà tàu sông SI được phép hoạt động nên Thuyền trưởng đã cho tàu hành trình trong điều kiện sóng to gió lớn (gió Đông Bắc cấp 6, giật trên cấp 6, biển động), tàu bị đắm là do sóng to gió lớn gây nên.
5. Tất cả thuyền viên từ Trung Quốc trở về Việt Nam không khai báo với cơ quan chức năng của Việt Nam”.
Như vậy, vụ tai nạn dẫn đến tổn thất không phải do bên được bảo hiểm cố ý gây tai nạn chìm tàu để được bồi thường bảo hiểm, mà nguyên nhân trực tiếp làm tàu bị đắm là do sóng to, gió lớn gây nên. Bên bảo hiểm không chứng minh được bên được bảo hiểm đã cố ý gây tai nạn chìm tàu để yêu cầu bên bảo hiểm phải bồi thường tổn thất. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật hàng hải năm 2005, quy định tại Điều 2 của Hợp đồng bảo hiểm tàu sông, tàu ven biển số AD0210/07B2IN 24105 ngày 25/10/2007 và Điều 5 Quy tắc bảo hiểm thân tàu sông, tàu ven biển và Điều 4 Quy tắc bảo hiểm trách nhiệm dân sự tàu sông, tàu ven biển của Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh thì Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Thái Bình Minh (TNHH).
Tòa án cấp sơ thẩm xác định Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh phải bồi thường bảo hiểm cho Công ty Thái Bình Minh (TNHH) là có căn cứ. Tuy nhiên, việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 mà không áp dụng quy định của Bộ luật hàng hải năm 2005 để giải quyết vụ án là không đúng. Trong trường hợp này, trước hết cần phải áp dụng quy định của luật chuyên ngành là Bộ luật hàng hải năm 2005 về hợp đồng bảo hiểm hàng hải để giải quyết vụ án, nếu Bộ luật hàng hải năm 2005 không có quy định thì mới áp dụng quy định của Bộ luật dân sự 2005 về hợp đồng bảo hiểm để giải quyết vụ án.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng chỉ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự mà không áp dụng quy định của Bộ luật hàng hải để giải quyết vụ án và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Thái Bình Minh (TNHH) về việc đòi Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh bồi thường bảo hiểm là không đúng pháp luật.
Trong vụ án này, phía người được bảo hiểm cũng có lỗi là sáng ngày 15/01/2008, trước khi cho tàu rời cảng Vạn Gia, thuỵền trưởng tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) đã gọi điện thoại hỏi thông tin về dự báo thời tiết qua dịch vụ của Đài khí tượng Nha Trang và được biết vùng Vịnh Bắc bộ có gió cấp 5, cấp 6 và ngày 15/01/2008, vùng Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc cấp 6, giật trên cấp 6, biển động. Với cấp gió như vậy thì tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) là loại tàu có kết cấu theo tiêu chuẩn cấp SI chỉ được phép hoạt động trong điều kiện sóng cao bằng và dưới 2m (căn cứ theo điểm 2.3.2 mục 2.3 chương II Quyết định số 26/2004/QĐ-BGTVT ngày 25/11/2004 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về tiêu chuẩn ngành quy phạm phân cấp và đóng tàu sông vỏ xi măng lưới thép) không được phép hành trình, nhưng thuyền trưởng vẫn cho tàu hành trình dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Theo trình bày của Trưởng đại diện Cảng vụ Quảng Ninh tại Móng Cái thì: “Ngày 14/01/2008, tàu BN-0425 đã làm thủ tục rời cảng Vạn Gia, Quảng Ninh. Sau khi kiểm tra thấy đầy đủ thủ tục thì Cảng vụ cấp giấy phép rời cảng. Những ngày đó sóng gió bình thường, không có bão, không có áp thấp... Ngày 14 và 15/01/2008 không có lệnh của cơ quan Nhà nước cấm tàu thuyền ra khơi. Những ngày đó, tàu thuyền trong khu vực vẫn hoạt động bình thường”. Theo thông tin từ Đồn biên phòng cửa khẩu Vạn Gia thì tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) làm xong thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 14/01/2008; trên tàu có 06 thuyền viên (có danh sách kèm theo). Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Vạn Gia thì tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) hoàn thành thủ tục hải quan vào ngày 14/01/2008 và được phép xuất 770 tấn quặng sắt sang cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Như vậy, tàu Thái Bình Minh 08 (BN-0425) đã nhận được sự cho phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh (như Hải quan, Đồn biên phòng cửa khẩu, Cảng vụ, ...) từ tối ngày 14/01/2008 đi Phòng Thành, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc có cho tàu tiếp tục hành trình trong điều kiện thời tiết biển như nêu trên hay không là thuộc về trách nhiệm của thuyền trưởng. Phía người được bảo hiểm có lỗi như nêu trên, nhưng đây là lỗi cố ý về hành vi chứ không phải là lỗi cố ý về hậu quả, nên cũng phải chịu một phần tổn thất theo quy định tại khoản 3 Điều 576 Bộ luật dân sự năm 2005.
Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 291, khoản 3 Điều 297, Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011),
QUYẾT ĐỊNH
Hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 83/2009/KDTM-PT ngày 04/06/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 13/2008/KDTM-ST ngày 24/12/2008 của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm 09/2013/KDTM-GĐT ngày 25/04/2013 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 09/2013/KDTM-GĐT |
Cấp xét xử: | Giám đốc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân tối cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 25/04/2013 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về